Ngoài hành động đóng cửa nhà máy để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ nhân viên của mình, các hãng ô tô lớn nhỏ cũng đã và đang bắt tay vào sản xuất các thiết bị y tế để chiến đấu với đại dịch viêm phổi cấp nCoV.
VinFast
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 3/4/2020 Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (Xâm nhập và Không Xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Dự kiến các lô linh kiện của Máy thở Không Xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở Xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.
Các máy máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu VNĐ, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các Máy thở Không Xâm nhập khoảng 22 triệu VNĐ, với máy Xâm nhập là 160 triệu VNĐ.
GM (General Motors)
Tại Mỹ, Tổng thống Trump sau khi chỉ trích gay gắt Hãng xe hơi General Motors (GM) ngày 27-3 và đã kích hoạt cả Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để buộc hãng này sản xuất máy thở.
Trên thực tế, theo Reuters, sau những chỉ trích của ông Trump, ngày 29-3, Hãng GM cam kết sẽ bắt tay gấp rút sản xuất máy thở. Họ cũng công bố những hình ảnh cho thấy công việc sản xuất này đang diễn ra như thế nào tại nhà máy ở Kokomo, bang Indiana. Giám đốc sản xuất của GM cho biết tới mùa hè năm nay, họ dự kiến đạt năng suất 10.000 máy thở một tháng.
GM cũng cho biết hãng đang sản xuất khẩu trang để phục vụ cho công nhân của tập đoàn trên cả nước, dự kiến vào tuần sau có thể giao lô 20.000 chiếc đầu tiên để bảo vệ những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch
Jaguar Land Rover
Hãng ô tô Anh Quốc đã cấp cho Hội Chữ thập đỏ Anh 57 phương tiện, bao gồm 27 đơn vị xe Defender để cung cấp thực phẩm và thuốc cho người già và bệnh nhân yếu sức. Ngoài ra 65 phương tiện khác đang hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ ở Úc, Pháp, Nam Phi và Tây Ban Nha.
JLR cũng đang cho tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và các dịch vụ khẩn cấp các phương tiện để hỗ trợ các nỗ lực của địa phương đồng thời tặng thiết bị bảo vệ bao gồm kính an toàn cho một số bệnh viện thuộc NHS. Dự kiến trong tương lai, JLR sẽ cung cấp nhiều phương tiện hơn để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19.
Ford
Tập đoàn Ford cũng đang bắt tay vào công tác đẩy lùi nạn dịch Covid-19 với cam kết sản xuất 50.000 máy trong vòng 100 ngày để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, và có khả năng tăng công suất lên 30.000 máy mỗi tháng sau đó nếu cần thiết.
Việc sản xuất bắt đầu tiến hành từ ngày 20/4 và sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sau đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Ford dự kiến sẽ đạt sản lượng 1.500 máy thở vào cuối tháng 4, 12.000 máy vào cuối tháng 5 và 50.000 máy trước ngày 4/7. Đây là một trong những nỗ lực của hãng nhằm hỗ trợ chính phủ Hoa Kỳ đạt mục tiêu sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày.
Bắt tay trong chiến lược này với Ford là GE Healthcare sẽ hỗ trợ các vấn đề chuyên môn về y tế và giấy phép cho máy thở từ Airon Corp – tập đoàn tư nhân chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ y tế bằng khí nén công nghệ cao
Lamborghini
Hãng siêu xe Ý cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch. Lamborghini đã yêu cầu một vài bộ phận tại nhà máy Sant’Agata Bolognese chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và tấm chắn nhựa bảo vệ.
Theo đài Sputnik (Nga), các sản phẩm y tế của Lamborghini sẽ được chuyển tới bệnh viện Sant’Orsola-Malpighi ở thành phố Bologna (Đông Bắc Italy). Nhà sản xuất dự kiến mỗi ngày cung cấp 1.000 khẩu trang và 200 tấm chắn nhựa bảo vệ.
Mercedes-AMG Petronas F1
Phân nhánh phát triển động cơ xe đua F1 của Mercedes cũng đã góp phần không nhỏ vào công tác chống dịch toàn cầu. Kết hợp với các kỹ sư cơ khí tại Đại học London, Mercedes-AMG High Performance Powertrains đã giúp chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ hô hấp CPAP.
Với việc Vương quốc Anh đối mặt với sự thiếu hụt CPAP, các kỹ sư đã làm việc suốt ngày tại khuôn viên trường đại học và sản xuất thiết bị đầu tiên chưa đầy 100 giờ kể từ cuộc họp đầu tiên vào thứ Tư ngày 18 tháng 3. Thiết bị này hiện đã nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Một trăm thiết bị sẽ được sử dụng tại Bệnh viện Đại học London để thử nghiệm lâm sàng trước khi nhanh chóng triển khai đến các bệnh viện trên cả nước.
Chính phủ Anh đã đặt hàng 10.000 máy thở với những tập đoàn lớn bao gồm bảy đội F1 có trụ sở tại Anh trong dự án Pitlane, cũng như các ông lớn kỹ thuật như Airbus, BAE Systems và Ford.
Toyota
Toyota Motor North America, (TMNA) đang sử dụng một số cơ sở của mình để chế tạo tấm chắn mặt trong khi hợp tác với các công ty thiết bị y tế để tăng tốc độ sản xuất máy thở, mặt nạ phòng độc và các thiết bị quan trọng khác cho bệnh viện.
TMNA đang làm việc để sản xuất tấm chắn in 3D và việc sản xuất hàng loạt sẽ được bắt đầu vào tuần tới. Lô hàng đầu tiên sẽ được phân phối đến MD Anderson ở Houston, Trung tâm Y tế Tây Nam UT ở Dallas và các bệnh viện khác ở Indiana, Kentucky và Michigan.
Toyota cũng đang tìm kiếm để có thể sản xuất thêm máy thở, và hiện đang hoàn tất các thỏa thuận để bắt đầu làm việc với ít nhất 2 công ty sản xuất thiết bị này với hy vọng có thể tăng sản lượng. Việc sản xuất xe sẽ tái khởi động vào ngày 20/4.
Tesla
Hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla Inc mở lại nhà máy sản xuất pin mặt trời Buffalo, New York để sản xuất máy thở Medtronic. Công ty cũng cho biết họ đã mua 1.255 máy thở ở Trung Quốc và đang phân phối chúng ở Bắc Mỹ.
Nhìn chung, các hãng ô tô trên thế giới đã bắt đầu mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 toàn cầu. Toàn bộ nhân lực cũng như tài năng của các kỹ sư, kỹ thuật viên vô tình có đất dụng võ.
Từng thời điểm sẽ có những ưu tiên khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều rằng: sản xuất xe mới không phải là ưu tiên hàng đầu tại thời điểm này…
Nguồn: Tổng hợp
Tags: covid19